Trồng dưa lưới leo giàn là một trong những phương pháp được nhiều bà con áp dụng hiện nay bởi vì nó không những mang lại năng suất cao, dễ chăm sóc mà còn tiết kiệm khá nhiều diện tích.
Vậy trồng dưa lưới leo giàn thì có khác gì so với dưa lưới được trồng trên mặt đất? Cách chăm sóc dưa lưới leo giàn như thế nào để mang lại năng suất cao nhất? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để được Kama Software bật mí tất tần tật thông tin về cách trồng dưa lưới leo giàn nhé!
Những lý do nên trồng dưa lưới leo giàn là gì?
Việc canh tác dưa lưới từ xưa đến nay luôn được người nông dân trồng theo phương pháp truyền thống là cho dây dưa bò trực tiếp dưới ruộng. Phương thức gieo trồng này gặp nhiều hạn chế, vì bộ lá và trái dưa phải tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với mặt đất.
Chính vì vậy nên khiến quả rất dễ bị tổn thương và bị sâu bệnh phá hại nhiều. Trồng dưa lưới trên giàn đang là cách trồng chính được mọi người áp dụng hiện nay bởi chúng mang tới rất nhiều lợi ích khác nhau.
Bên cạnh đó, bà con nông dân thường cho rằng việc trồng dưa lưới trên giàn giúp hạn chế được tình trạng sâu bệnh tấn công, tăng mật độ số cây trồng, tăng năng suất và thu nhập cho người nông dân…
Những kỹ thuật quan trọng trước khi trồng dưa lưới leo giàn
Mặc dù mang lại hiệu quả cao hơn so với cách trồng truyền thống nhưng nếu như trồng không đúng cách, không đúng kỹ thuật thì sẽ không đạt được năng suất cao. Dưới đây là một số kỹ thuật quan trọng trước khi trồng dưa lưới trên giàn mà bạn không nên bỏ lỡ:
Lựa chọn thời điểm thích hợp để trồng dưa
Dưa lưới thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ấm áp, khô ráo, đầy đủ ánh sáng. Do đó ,mùa vụ thích hợp, lý tưởng nhất để trồng dưa lưới là từ tháng 2 – 9 hàng năm. Không nên trồng dưa lưới vào thời tiết lạnh bởi vì sẽ khiến dưa phát triển chậm, dễ bị sâu bệnh phá hoại và cho năng suất thấp.
Chuẩn bị hạt giống
Hạt giống có ảnh hưởng rất lớn tới năng suất trồng dưa lưới sau này. Nên khi trồng dưa lưới leo giàn, điều quan trọng bạn cần lưu ý là phải chọn loại hạt giống tốt, phù hợp với từng vùng miền.
Nếu là hạt giống F1 thì hạt giống sẽ chuẩn và khả năng nảy mầm sẽ cao hơn. Nếu là hạt giống nội địa và không có thương hiệu thì sức nảy mầm và đề kháng kém, đặc biệt có khả năng ảnh hưởng đến năng suất ra trái.
Ươm cây con
Đối với hạt F1 thì bạn không cần phải ngâm ủ mà có thể trồng trực tiếp. Còn đối với hạt thông thường thì cách ươm cây con như sau: Tiến hành ngâm hạt với nước ấm theo tỷ lệ 2 sôi:3 lạnh trong vòng thời gian từ 4 – 6 tiếng. Sau đó dùng mảnh vải mỏng (có khả năng giữ ẩm tốt) để ủ hạt. Khi thấy hạt bắt đầu nứt nanh thì cho vào bầu ươm.
Sau đó phủ một lớp đất mỏng, tươi xốp lên bầu ươm và để ở chỗ râm mát. Cần tưới nước để giữ độ ẩm cho hạt hàng ngày. Đất ươm hạt nên dùng đất trộn phân trùn quế (30%) để có đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây con phát triển khỏe mạnh. Sau khoảng 8 – 10 ngày ươm thì cây bắt đầu cho 2 lá thật. Lúc này mới đem cây con đi trồng.
Chuẩn bị giá thể
Để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho hạt thì giá thể ươm hạt thường trộn thêm phân trùn quế hoặc phân chuồng hoai mục. Bên cạnh bổ sung thêm chất dinh dưỡng thì giá thể này còn giúp hạt nhanh nảy mầm. Bạn có thể tham khảo cách phối trộn giá thể theo tỉ lệ như sau:
- 60 – 65% xơ dừa
- 5 – 10% tro trấu hun
- 30% phân trùn quế
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các thành phần thì bạn tiến hành trộn chúng lại với nhau. Dùng màng phủ đậy kính và tưới nước ẩm cho giá thể trước khi trồng khoảng thời gian 1 tuần.
Gieo cây con
Sau khi cây phát triển từ 2-3 lá thì bạn tiến hành trồng cây vào đất mà mình đã chuẩn bị trước đó. Nếu như bạn trồng cây trong thùng xốp hoặc xô chậu thì phải chọn loại chậu có độ sâu và rộng bởi vì dưa lưới cho trái khá to. Kỹ thuật trồng cây dưa lưới con như sau:
- Tạo hố đất sâu
- Tiến hành nhấc nhẹ cây dưa lưới con ra, rạch bao nylon rồi đặt bầu vào lỗ đục sẵn.
- Vùi kín bầu cây dưới đất, đôn cho chặt gốc.
Lưu ý: Trong thời gian đầu, bạn cần phải luôn giữ ẩm cho cây, nên tưới nước 2 lần/ngày và che phủ tạo bóng râm trong một tuần đầu để cây con nhanh chóng hồi sức.
Cách trồng dưa lưới leo giàn mang lại hiệu quả cao
Vật liệu làm giàn dưa lưới
Để có thể làm giàn trồng dưa lưới chất lượng, thì điều quan trọng đó là vật liệu làm giàn dưa lưới cũng phải tốt. Có rất nhiều vật liệu khác nhau bạn có thể dùng để làm giàn cho dưa lưới như gỗ, tre, nứa, cột bê tông, sắt,… Hoặc đơn giản nhất là bạn có thể sử dụng những sợi dây để cho dưa có thể leo lên. Tuy nhiên không phải loại giàn nào cũng phù hợp với quy mô trồng dưa lưới của bạn.
Để lựa chọn được loại giàn cũng như vật liệu giàn phù hợp thì bạn cần phải tính toán đến diện tích đất trồng, phương pháp trồng và cả chi phí đầu tư ban đầu. Tùy thuộc vào chất liệu làm giàn mà vật dụng để làm giàn cũng có sự khác nhau.
Nếu như vật liệu làm giàn leo bằng gỗ, tre, nứa thì bạn cần chuẩn bị những thanh dài, chắc chắn. Và cần có những sợi dây kẽm để cột các đầu của chúng lại cố định với nhau. Trong trường hợp nếu như bạn làm giàn bằng sắt thì cần phải chuẩn bị sắt sơn tĩnh điện, máy hàn sắt, bu lông, ốc vít để có thể cố định các thanh sắt lại với nhau.
Cách đưa dưa lưới lên giàn
Khi các dây leo bắt đầu phát triển, chúng sẽ quấn vào xung quanh giá đỡ một cách tự nhiên. Lúc này bạn sẽ không cần phải thực hiện thêm bất kỳ kỹ thuật cho dưa leo giàn nào mà chỉ cần sử dụng dây để buộc chúng vào gắn liền với giàn. Cách hiệu quả nhất là bạn định hướng dây bò theo hướng vuông góc với mặt luống. Dưa lưới có đặc tính quả nằm trên dây chèo (dây phụ) vì vậy nếu muốn quả to thì tốt hơn hết mỗi dây bạn chỉ nên để một quả.
Kỹ thuật chăm sóc dưa lưới leo giàn đúng cách
Để có thể trồng dưa lưới leo giàn tốt và sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh thì phần đất trồng dưa lưới phải đảm bảo tơi xốp và cần được tưới nước thường xuyên. Để giúp cây dễ ra hoa, đậu trái thì bạn có thể bón thêm nhiều phân NPK.
Ngoài ra thì cũng có thể chọn các loại phân hữu cơ khác như phân trùn quế, phân chuồng hoai mục,.. để bổ sung dinh dưỡng cho cây cũng như tăng độ ngọt tự nhiên cho trái.
Dưới đây là một số kỹ thuật chăm sóc dưa lưới trên giàn đúng cách, mang lại năng suất cao mà bạn không nên bỏ lỡ:
- Khi cây có 5 – 6 lá thật thì bạn cần cắt tỉa hết các nhánh lẻ đi. Các nhánh lẻ chỉ được giữ lại sau khi cây phát triển đến lá thứ 8.
- Sau khi ra hoa, thì dưa lưới cần được thụ phấn trong vòng 3-5 ngày để chất lượng đạt cao nhất.
- Khi cây lớn được 22 – 25 lá thì bạn tiến hành ngắt bớt ngọn để cây tập trung chất dinh dưỡng cho nuôi quả.
- Khi cây bắt đầu ra 5-6 lá thật thì tiến hành làm giàn cho dưa lưới. Theo đó thì bạn có thể đóng cọc hoặc có thể lấy dây nilon buộc nhẹ vào giàn lưới để cho cây leo lên.
- Khi quả lớn thì bạn nên treo quả lên để tránh tình trạng quả nặng làm gãy thân.
- Trong khoảng thời gian tính từ ngày quả bắt đầu quả phình ra đến ngày chín khoảng 1 tháng thì bạn nên bón phân NPK hàng tuần để cho quả phát triển tốt. Bên cạnh đó trước khi thu hoạch tầm 15 ngày thì nên bón thêm kali và đạm hàng tuần cho dưa lưới để đảm bảo độ ngọt.
- Nên sử dụng thêm lưới chắn côn trùng chất lượng để ngăn chặn việc hút nhựa và các tinh chất trên cây, khiến cây kém phát triển, cho năng suất thấp. Mặc khác, việc mua lưới kém chất lượng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất, do đó cần phải mua lưới tại các đơn vị uy tín như là Hsia Cheng, Lực Sĩ, Bách Nông,..
Trên đây là toàn bộ thông tin về cách trồng dưa lưới leo giàn mà chúng tôi muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng qua những chia sẻ ở bài viết mang tới cho bạn đọc thật nhiều kiến thức, thông tin bổ ích để từ đó giúp phương pháp trồng dưa lưới leo giàn thành công, đạt năng suất cao.